Kế hoạch phòng chống bạo lực học đường giai đoạn 2019-2021

Đăng lúc: Chủ nhật - 05/05/2019 09:51 - Người đăng bài viết: admin
     SỞ GD&ĐT LÂM ĐỒNG                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

      Số: 53/KH- THPT LHP                                       Di Linh, ngày 25 tháng 4 năm 2019
 
 
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2019-2021

Căn cứ Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; căn cứ Quyết định 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2018 của Bộ GDĐT Ban hành chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021; căn cứ công văn 5812/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 21/12/2018 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường. Trên cơ sở tình hình thực tế tại đơn vị trong thời gian qua, trường THPT Lê Hồng Phong xây dựng kế họach phòng, chống, bạo lực học đường, cụ thể như sau:
A. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về bạo lực học đường. Trên cơ sở đó để hạn chế, ngăn ngừa đến mức thấp nhất các hành vi bạo lực học đường có thể xảy ra.
- Cung cấp cho học sinh những thông tin, kỹ năng cơ bản để ứng phó và giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường theo chiều hướng tích cực. Góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
- Góp phần hình thành, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong học sinh. Tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Phấn đấu xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện.
2. Yêu cầu:
- Công tác này phải được tuyên truyền, giáo dục và tổ chức triển khai sâu rộng trong đội ngũ CB-GV- NV, học sinh và cha mẹ học sinh(CMHS). Nhà trường coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt các năm học và cũng là cơ sở để xem xét đánh giá thi đua đối với CBCCVC trong cơ quan.
- Phải phối hợp thường xuyên với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên học sinh.
B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường
- Chuẩn bị tài liệu, phổ biến đầy đủ, kịp thời Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GDĐT và các văn bản hướng dẫn phòng, chống bạo lực học đường của Bộ GDĐT đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh bằng nhiều hình thức đa dạng.
- Tuyên truyền những tập thể, cá nhân, những điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
2. Tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào các hoạt động giáo dục của nhà trường
- Lồng ghép lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường trong các tiết dạy GDCD, Ngữ văn, trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sinh hoạt lớp cối tuần.
- Thực hiện việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống bạo lực học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình người học.
- Lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường trong xây dựng kế hoạch của nhà trường và các tổ chức đoàn thể khác.
3. Xây dựng nhà trường có một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, Chuẩn mực đạo đức cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THPT Lê Hồng Phong.
- Triển khai tích cực công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm có tính cộng đồng, xã hội, nhằm tạo cơ hội cho học sinh được tham gia các hoạt động thực tế, góp phần định hướng thẩm mỹ lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
- Thực hiện giáo dục tích cực không bạo lực đối với học sinh.
- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn, đối thoại để CBQL,GV-NV- HS được bày tỏ chính kiến, giới thiệu những sáng kiến hay trong phòng, chống bạo lực học đường.
4. Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường.
- Phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ, các tổ chức đoàn thể nhà trường trong việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ CBQL,GV, NV.
- Tổ chức tốt việc đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ CB-GV-NV phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sở trường công tác.
- Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức cho CBQL, GV, NV. Có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh và đội ngũ CB-GV-NV.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý về bạo lực học đường
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chấp hành nội quy, quy định của học sinh. Phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm liên quan đến bạo lực học đường.
- Thiết lập các kênh thông tin hàng ngày về bạo lực học đường: Hộp thư góp ý, điện thoại nhà trường, thông qua đội ngũ học sinh cốt cán các lớp, thông tin theo dõi, thống kê các nhóm đối tượng có nguy cơ bạo lực học đường. Tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình người học.
- Phối hợp với cơ quan chức năng để xây dựng quy chế phối hợp, ngăn ngừa hiệu quả bạo lực học đường.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với hiệu trưởng nhà trường
Hiệu trưởng nhà trường có những nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản của Chính phủ, của ngành liên quan đến bạo lực học đường cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình người học bằng những hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện nhà trường.
- Chủ trì cùng với các phó hiệu trưởng, các đoàn thể, hội đồng sư phạm nhà trường xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phòng chống bạo lực học đường.
- Thực hiện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát CBQL-GV-NV-HS trong việc phòng, chống bạo lực học đường tại đơn vị.
- Cung cấp số liệu, thông tin liên quan đến bạo lực học đường khi được yêu cầu.
- Là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra bạo lực học đường tại đơn vị.
2. Đối với các phó hiệu trưởng nhà trường
Phó Hiệu trưởng nhà trường có những nhiệm vụ cụ thể như sau:
-Trên cương vị công tác được giao, phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường có các giải pháp hữu hiệu phòng, chống bạo lực học đường.
- Nắm bắt thông tin, kịp thời  báo cáo các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường cho hiệu trưởng nhà trường.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện các nguy cơ có thể dẫn đến bạo lực học đường.
- Chỉ đạo giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường theo kế hoạch của nhà trường.
- Tham mưu cho hiệu trưởng có các giải pháp hay, phù hợp, hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực học đường. Chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra bạo lực học đường.
- Có các giải pháp  nhằm cụ thể hóa kế hoạch phòng chống bạo lực học đường của đơn vị.
Phân công phụ trách:
- Ông Trần Văn Đến: Phụ trách khối học sinh 12
- Ông Tạ Công Điệp: Phụ trách khối học sinh 11
- Ông Nguyễn Văn Diệp: Phụ trách khối học sinh 10
3. Đối với BCH Đoàn trường
BCH  Đoàn trường tham gia giải quyết tốt những vấn đề sau:
- Phổ biến, tuyên truyền kịp thời các văn bản của ngành, Kế hoạch phòng chống bạo lực học đường của trường tới toàn thể cán bộ các chi đoàn, đoàn viên, thanh niên nhà trường thông qua nhiều hình thức: Bản tin thanh niên, phát thanh thanh niên, sân khấu hóa…
- Chỉ đạo xây dựng các đoàn viên cốt cán tham gia phòng, chống bạo lực học đường làm nòng cốt tại các chi đoàn học sinh.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp tổ chức các hoạt động nội khóa, ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục đạo đức, pháp luật cho thanh, thiếu niên học sinh nhà trường một cách thường xuyên.
- Phối hợp giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường theo kế hoạch của nhà trường.
- Chịu trách nhiệm trước cấp trên khi để xảy ra bạo lực học đường liên quan đến đoàn viên, thanh niên học sinh.
- Đề xuất với hiệu trưởng  nhà trường để khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong công tác phòng, chống bạo lực học đường.
4. Đối với BCH Công đoàn
BCH  Công đoàn tham gia và thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Phổ biến, tuyên truyền kịp thời các văn bản của ngành, Kế hoạch phòng chống bạo lực học đường của trường tới toàn thể đoàn viên lao động trong đơn vị.
- Chỉ đạo xây dựng các đoàn viên giáo viên, nhân viên làm nòng cốt trong công tác phòng, chống bạo lực học đường.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp tổ chức các hoạt động nội khóa, ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, giáo dục nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho đoàn viên công đoàn.
- Chỉ đạo giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường theo kế hoạch của nhà trường.
- Chịu trách nhiệm trước cấp trên khi để xảy ra bạo lực học đường liên quan đến đoàn viên lao động.
- Đề xuất với nhà trường để khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong công tác phòng, chống bạo lực học đường
5. Đối với giáo viên, nhân viên
Giáo viên, nhân viên có trách nhiệm cụ thể như sau:
- Trên cương vị công tác, nhiệm vụ được giao cụ thể hóa kế hoạch phòng chống bạo lực học đường của trường cho phù hợp.
- Mọi thành viên trong nhà trường trong quá trình thực thi nhiệm vụ, khi phát hiện các tình huống liên quan đến bạo lực học đường phải nhanh chóng báo ngay cho bộ phận Bảo vệ, cán bộ quản lý của trường.
- Khi có đối tượng từ bên ngoài thâm nhập trái phép vào trong trường thì phải phối hợp với nhân viên Bảo vệ, đồng nghiệp để nhanh chóng cô lập, khống chế đối tượng và báo ngay cho cơ quan chức năng biết. Khi bạo lực học đường xảy ra ngoài phạm vi nhà trường thì phải có trách nhiệm báo cho cơ quan chức năng và lãnh đạo nhà trường biết ngay.
- Chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên nếu để xảy ra bạo lực học đường liên quan đến bản thân.
- Không tạo ra căng thẳng, sức ép cho học sinh. Bình tĩnh, tôn trọng học sinh trong mọi tình huống.
- Trong trường hợp xảy ra các tình huống nguy hiểm đến tính mạng học sinh và giáo viên thì mọi người phải khẩn trương tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra. Nếu có thương tích phải nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế để cứu chữa và báo ngay cho cơ quan công an xã để có kế hoạch phù hợp.
6. Đối với giáo viên chủ nhiệm
Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ:
- Xây dựng, cụ thể hóa kế hoạch phòng chống bạo lực học đường phù hợp với tình hình học sinh và điều kiện của lớp mình.
          - Phải quan tâm xây dựng được một tập thể học sinh lớp đoàn kết, có tinh thần thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Sẵn sàng góp ý cho nhau để tiến bộ. Phát huy thực sự vai trò, trách nhiệm của học sinh là cán bộ lớp, cán bộ các chi đoàn trong việc nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, tình cảm, tâm lý, cử chỉ, hành động khác thường của các bạn trong lớp. Cương quyết không để bị động, bất ngờ trước mọi sự việc.
          - Tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt liên quan đến xây dựng tình bạn, giúp học sinh cách  tháo gỡ khi có những rối nhiễu tâm lý xảy ra hàng ngày. Tạo cho học sinh một niềm tin thực sự, chỗ dựa vững chắc. Phải có các phương thức thích hợp để có thông tin từ học sinh hoặc học sinh có thể báo cáo ngay cho giáo viên chủ nhiệm khi bị uy hiếp hoặc có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường.
          - Lập danh sách học sinh lớp mình có nguy cơ bạo lực học đường. Báo cáo kịp thời những vấn đề liên quan đến học sinh cho lãnh đạo nhà trường để có hướng xử lý phù hợp.
          - Phối hợp hiệu quả với gia đình học sinh trong việc phòng, chống bạo lực học đường.
- Phải bình tĩnh, sáng suốt khi giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh. Giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra bạo lực học đường.
7. Đối với học sinh
Học sinh trường có trách nhiệm sau:
- Phát huy vai trò xung kích, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ học sinh là cán bộ lớp, cán bộ đoàn trong việc duy trì và đảm bảo an ninh, an toàn cho các bạn học sinh của lớp mình.
- Chấp hành tốt nội quy, quy định và những yêu cầu, nhắc nhở đột xuất của nhà trường, của các đoàn thể. Thực hiện tốt nhiệm vụ của người học sinh.
- Mạnh dạn cung cấp thông tin, báo cáo cho nhà trường và cơ quan chức năng khi có những khó khăn, vướng mắc về mọi lĩnh vực.(Qua hộp thư góp ý, qua điện thoại, qua email, qua cha mẹ học sinh)
- Thực hiện tốt việc xây dựng tình bạn bè trong sáng, lành mạnh, thương yêu, đùm bọc giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập và rèn luyện.
- Cương quyết không bao che khuyết điểm cho bạn.
- Những học sinh xa nhà phải ở trọ cần chấp hành tốt quy định của chủ nhà trọ. Hạn chế việc tổ chức tụ tập ăn uống, sinh hoạt và đi ra ngoài vào buổi tối. Khi có những vấn đề phát sinh cần báo ngay cho chủ nhà trọ hoặc công an xã để được giúp đỡ.
Trên đây là kế hoạch công tác phòng, chống bạo lực học đường trường THPT Lê Hồng Phong. Trên cơ  sở nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, mỗi tập thể, cá nhân cần cụ thể hóa kế hoạch cho bản thân nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian tới.
 
Nơi nhận:                                                                         HIỆU TRƯỞNG
- CB-GV-NV-HS-CMHS;                                                                               
- Đăng tải trên website;                                                             (Đã ký)
- Lưu VT.
                                                                                         Nguyễn Văn Dũng

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

TẢI NHANH CÁC PHẦN MỀM TIỆN ÍCH DƯỚI ĐÂY

    
Lựa chọn và tải các chương trình tiện ích hỗ trợ trên máy bằng cách bấm vào biểu tượng Icon trên
Hỗ trợ duyệt website tốt nhất trên trình duyệt Firefox, Google Chrome và IE 8.0 trở lên